PHÒNG TẮM LÀ MỘT KHÔNG GIAN SPA

MỤC LỤC

Phòng tắm tại các phòng ngủ khách sạn ngày càng được cải tiến, không còn thuần túy là chức năng vệ sinh mà còn là nơi thư giãn.

Để gia tăng cạnh tranh và trải nghiệm cho khách trong thời gian lưu trú, nhiều khách sạn đã thiết kế phòng tắm một cách sáng tạo với công nghệ hiện đại.

“Phòng tắm đóng vai trò quan trọng trong phòng ngủ của khách, và ngày nay, trong thời đại công nghệ số, khách hàng càng kỳ vọng khách sạn cung cấp những phòng tắm đa chức năng, tương tác với người dùng”, bà Lalaine Tanaka, Giám đốc Công ty Kiến trúc JCJ Architects, một hãng chuyên thiết kế nội thất khách sạn, cho biết.

 

Theo bà Tanaka, nhiều năm qua, các khách sạn đã đầu tư khá mạnh tay trong việc nâng cấp phòng tắm nhằm thu hút khách hàng trẻ, có lối sống hiện đại.

“Để cạnh tranh, các khách sạn nhận ra rằng phòng tắm phải bám sát nhu cầu thuộc về sở thích cá nhân của khách, nên từ đơn giản chỉ có vòi hoa sen, bồn tắm được trang bị các thiết bị tự động hóa, thêm âm nhạc, ánh sáng và mùi hương”, bà Tanaka nói.

 

 

Khi khách sạn Bel-Air (Los Angeles, Mỹ) quyết định nâng cấp, điều đầu tiên họ nghĩ đến là phải cải tạo phòng tắm, dù khá nhiều phòng tắm mang dấu ấn lịch sử song hành cùng sự phát triển của khách sạn. Ông Howard Clarke, chủ khách sạn Bel-Air cho rằng, nếu cứ bám theo cách làm cũ là phòng tắm chỉ có vài thiết bị đơn giản, khách hàng sẽ bỏ sang đối thủ cạnh tranh. “Chúng tôi không chỉ mở rộng diện tích phòng tắm mà còn trang bị đầy đủ công nghệ trong đó”, ông Howard Clarke nói.

Khách sạn Bel-Air đã hợp tác với hãng sản xuất thiết bị vệ sinh TOTO Neorest Washlet lắp đặt sàn tắm tự điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, hệ thống chiếu sáng tích hợp và tivi, bồn cầu tự sưởi, vòi phun rửa tự động, tự làm sạch và khử mùi.

 

 

“Sau khi nâng cấp phòng tắm thì khách thường gọi điện đến Bel-Air để hỏi thăm, đặt phòng. Và lượng khách lưu trú đã tăng nhiều hơn”, ông cho biết.

Khách sạn May Fair (London) ra đời từ năm 1927 cũng theo xu hướng này khi trang bị các thiết bị tự động cho phòng tắm. May Fair còn  thiết kế hệ thống ánh sáng mỹ thuật, thay đổi theo nhiệt độ nước tắm.

“Tương lai của ngày hôm nay là quá khứ của ngày mai, đó là lý do tại sao chúng tôi phải nâng cấp phòng tắm không chỉ theo hướng công nghệ mà cả sự sang trọng và mỹ thuật” ông Anthony Lee, Tổng giám đốc Khách sạn May Fair nói.

Không dừng lại như vậy, nhiều khách sạn còn thiết kế phòng tắm như một không gian của spa.

Dĩ nhiên, các amenity (tiện nghi) được cung cấp một cách khác biệt so với trước đây và đúng theo phong cách của spa.

“Nhiều người không cảm thấy thoải mái khi xuống các câu lạc bộ sức khỏe của khách sạn. Họ muốn sự riêng tư để trải nghiệm như một sapa thực thụ. Họ không muốn ngồi chung phòng tắm hơi, hồ mát xa với người xa lạ. Không gian phòng tắm phải trở thành nơi khách thư giãn, giảm những áp lực của cuộc sống”, bà Tanaka nhấn mạnh.

“Các phòng ngủ có phòng tắm thiết kế như spa luôn được bán hết đầu tiên. Và không có gì khó hiểu khi trong vòng không đầy một năm, các khoản đầu tư đắt đỏ cho phòng tắm đều hoàn vốn”, ông Anthony Lee cho biết.

Một câu hỏi luôn được các chủ khách sạn đặt ra là liệu chi phí cho điện nước có gia tăng khi nâng cấp phòng tắm theo các cách làm trên. Bà Tanaka cho biết, công nghệ hiện nay rất chú ý tiết kiệm chi phí cho khách sạn, chẳng hạn, thiết bị bồn cầu, bồn tắm liên quan để sử dụng nước tiết kiệm đến 25% nhờ hệ thống nhận diện thông minh theo nhu cầu của người dùng.

Và cuối cùng, ông Anthony Lee cho rằng việc thiết kế phòng tắm phải phù hợp với thiết kế phòng ngủ, có sự hòa hợp từ chức năng cho đến công nghệ và mỹ thuật, nếu không sẽ làm khách khó chịu.

Thiên Thảo – IRR Group

BÀI VIẾT LIÊN QUAN