Đến khách sạn Shangri-La, bạn được chào đón bởi mùi hương “tươi mát phảng phất nét châu Á”, còn Sofitel thơm như “một buổi chiều ở miền nam nước Pháp”.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng mùi hương sẽ lưu lại trong tâm trí rất lâu.
Vì vậy, hương thơm hấp dẫn mà bạn ngửi thấy khi đến một khách sạn không chỉ là sự chào đón bằng khứu giác mà nơi đó dành cho bạn, mà nó còn có thể lưu lại trong tâm trí bạn nhiều năm sau chuyến đi.
Năm 2001, khách sạn Costes ở Paris, Pháp sử dụng loại nước hoa “lấy cảm hứng từ một mảnh nội thất bằng gỗ lim từ triều đại nhà Minh tỏa ra mùi hương của rượu, thuốc lá vị nhẹ và đá mài”. Kể từ đó, các khách sạn ngày càng quan tâm tới việc đưa mùi hương riêng vào cơ sở lưu trú của mình.
Khách sạn Mandarin Oriental Hong Kong từ lâu gắn với mùi thơm của hoa gừng từ hãng Shanghai Tang (hãng thời trang cao cấp của Hong Kong). Ngày nay, nơi này sở hữu mùi hương của lan Nam Phi và hoa mộc đặc trưng. “Chúng tôi muốn phát triển một thứ gì đó độc đáo chỉ có ở đây”, Andrea Lomas, người đứng đầu bộ phận spa, cho biết.
“Một mùi hương đặc trưng thể hiện nét đặc trưng của một địa điểm. Nó gợi nhớ đầy cảm xúc về kỷ niệm trong những khoảng thời gian kỳ diệu”, Azzi Glasser, một nhà thiết kế nước hoa đã tạo ra mùi hương riêng cho khách sạn Rosewood Bangkok ở Thái Lan và Chiltern Firehouse ở London (Anh), cho biết.
Để tạo mùi hương cho Rosewood Bangkok, Glasser đã đến khách sạn này trước khi nó hoàn thiện. “Tôi đội mũ bảo hộ đến xem khách sạn, và tìm hiểu về di sản của thành phố cũng như những vật liệu tạo nên công trình. Tôi muốn sử dụng các thành phần tự nhiên tốt nhất: hương đầu sang trọng của nhựa cây elemi, hồng mộc và nước tinh khiết; tiếp đến là mùi cỏ hương bài, rêu và hổ phách; hương cuối là trầm hương, gỗ tuyết tùng và hoa hồng đá – thêm sự ấm áp mượt mà”.
Atelier Lumira, công ty có trụ sở tại Sydney (Australia), chuyên thiết kế mùi hương cho các khách sạn boutique. Almira Armstrong, giám đốc sáng tạo của công ty, cho biết để tạo ra mùi hương nước hoa đặc trưng, việc đầu tiên một chuyên gia cần làm là thuê phòng tại khách sạn để lấy cảm hứng. Sau đó, họ trò chuyện với chủ sở hữu, tổng giám đốc và tiếp thu mọi thứ: từ vị trí, thiết kế, bầu không khí, ánh sáng, đồ ăn, thức uống, âm nhạc, nghệ thuật và thậm chí là cả các cuốn sách trên kệ.
Còn Shelley Callaghan, giám đốc sáng tạo và đồng sáng lập Antica Farmacista, đơn vị tạo ra mùi thơm cho khách sạn Ritz-Carlton, cho biết họ phân tích từng yếu tố và bắt đầu quá trình tạo ra một mùi hương thể hiện tinh thần của khách sạn. Trước đây, việc sử dụng nước hoa trong khách sạn được coi là một điều rủi ro, vì chủ sợ khách không thích. Nhưng ngày nay, thiếu vắng mùi thơm khiến cho các khách sạn cảm thấy “trần trụi”.
Cheval Blanc Randheli ở Maldives là một khách sạn thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH. Vì vậy khi quyết định tung ra một mùi hương đặc trưng, ban quản lý đương nhiên hướng đến những chuyên gia hàng đầu của tập đoàn sang trọng này. Và Francois Demachy chính là người đứng sau mùi hương Island Chic dành cho Cheval Blanc Randheli. Demachy là chuyên gia sáng chế nước hoa người Pháp, hay “chiếc mũi hàng đầu” của Christian Dior và Guerlain. Ông cho biết ý tưởng để tạo ra hương thơm cho khách sạn là cảm giác yên bình và vẻ đẹp đặc trưng của Maldives đối với du khách. Vì vậy, ông bắt đầu với hương thơm của trà đen thấm đẫm mùi đinh hương và bạch đậu khấu, hương cuối là rong biển – lấy cảm hứng từ đại dương.
Một số chuỗi khách sạn dùng chung một mùi hương đặc trưng cho mọi cơ sở lưu trú, để mang đến cho khách hàng một cảm giác yên bình và trải nghiệm quen thuộc đồng nhất.
Ví dụ, đến với bất kỳ khách sạn Shangri-La nào trên thế giới, bạn sẽ được chào đón với mùi thơm của vani, gỗ đàn hương, xạ hương; hương đầu là cam bergamot và trà gừng. Đó là một mùi hương tươi mát, phảng phất nét châu Á và gợi cảm giác thư thái, theo giám đốc tiếp thị Mavis Ko.
Trong khi đó, đến mọi khách sạn Sofitel trên thế giới vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn đều ngửi thấy mùi hương đầu của cam quýt tươi, hương giữa của hoa hồng trắng và hương cuối của gỗ đàn hương. Mùi hương này do nhà pha chế nước hoa bậc thầy Lucien Ferraro tạo nên, nhằm gợi nhớ khách về “một buổi chiều ở miền nam nước Pháp”.
Thực tế, không nhiều thương hiệu táo bạo như Abaco Altea ở Tây Ban Nha – một trong số ít khách sạn tạo ra mùi hương khác nhau cho từng căn trong tổng số 18 phòng. Bên cạnh đó, một số chuỗi khách sạn cũng điều chỉnh hương thơm sao cho phù hợp với địa điểm đặc biệt. Ví dụ, mùi thơm của hệ thống Ritz-Carlton tại Miami khác với New York, dù cùng ở Mỹ. Nhưng về cơ bản, mẫu số chung cho các loại nước hoa trong khách sạn chính là “một mùi hương mang không khí ngoài trời vào bên trong”.
Theo VNexpress.net – Anh Minh (Theo SCMP)