MUỐN THÌ CHIỀU, NGHỀ CỦA CONCIERGE

MỤC LỤC

“Khách hàng là Thượng đế” hay “The customer is King” (Khách hàng là vua) trong tiếng Anh, là câu cửa miệng dành những ai muốn “đeo đuổi” theo các ngành kinh doanh, dịch vụ đón và phục vụ khách. Thế nhưng để thực hiện đúng theo câu khẩu hiệu này, lắm khi những người theo nghề phục vụ cho các thượng đế phải cười ra nước mắt!

Ông Foriasky, người quản lý bộ phận dịch vụ tiền sảnh khách sạn (concierge) ở khách sạn The Setai tại Miami-Hoa Kỳ – luôn nhớ những kỳ tích trong những năm đầu mới vào nghề, khi một người khách yêu cầu ông biến căn phòng khách đang ở thành một “nhà thổ” phủ toàn màu đỏ và còn mua thêm bộ đồ lót rẻ tiền cũng màu đỏ cho vợ ông ấy ! Một vị khách đến từ Anh Quốc thì lại muốn nhờ ông chuyển một con hổ từ Florida về thủ đô Luân Đôn trong 2 ngày, chỉ vì vị khách này đã trót phải lòng một cô nàng ở Florida và cô ấy chỉ bằng lòng theo chàng về dinh ở Luân Đôn, nếu được mang con thú cưng của mình đi theo!  Cuối cùng, ông Foriasky đã có thể thỏa mãn ước nguyện của khách, nhờ sự trợ giúp của Sở thú Miami.

 

 

Một vị khách khác tại khách sạn The Plaza-New York- yêu cầu tìm một con nhện sống Tarantulas (loài nhện to có lông, có loại có nọc độc, sống ở vùng hoang mạc, khí hậu nhiệt đới), để ông mang về nhà làm món nướng ! Nhân viên khách sạn phải nhờ đến câu lạc bộ Explorers, vốn nổi tiếng về những món đặc sản kỳ dị để chỉ cho biết nơi cung cấp loài nhện này.

 

Riêng ông Waldo Hernandez, trưởng bộ phận dịch vụ khách sạn SLS Beverly Hills-Los Angeles,  rất tự hào về cách giải quyết mọi việc theo đúng yêu cầu khẩn trương của khách. Gần đây chỉ khi vừa được thông báo trước 2 tiếng đồng hồ, Hernandez đã tổ chức xong một tiệc mừng sinh nhật với sự giúp vui của ban nhạc Mariachi (ban nhạc dân gian Mexico, vừa hát vừa sử dụng nhạc cụ). Ngoài ra vào 9 giờ sáng ngày lễ Giáng sinh vừa qua, một khách đầy hơi men bỗng yêu cầu bộ phận dịch vụ cung cấp 3 bộ quần áo ông già Nô-en. Hernandez cùng nhóm của ông vội vàng gọi điện thoại khắp nơi, tìm được một người chuyên thiết kế trang phục sẵn lòng đáp ứng yêu cầu và đến 10 giờ 30 sáng hôm đó, vị khách cùng với hai người bạn của mình đã thu hút sự chú ý của mọi người,  khi xuất hiện ở khu vực tiền sảnh trong bộ đồng phục ông già Nô-en thật trang trọng.

 

 

Cũng tại khách sạn The Peninsula ở Beverly Hills, nhân viên khách sạn có lần phải đi máy bay đến Luân Đôn để đón Jack Russel, là chú chó 14 tuổi của một nữ du khách đã sống nhiều tháng tại khách sạn, phụ giúp công việc làm ăn của chồng. Để làm quen với chú chó, anh nhân viên khách sạn mất cả tuần lễ dắt chó đi dạo mỗi ngày. Trên chuyến bay quay về Los Angeles, chỉ riêng Jack Russel được ở khoang hạng nhất, còn anh nhân viên ngồi ở hạng ghế khác và chú chó được bà chủ sung sướng tiếp đón khi về đến khách sạn trên một chiếc limousine!

Việc đi “shopping”, mua sắm dùm cho khách, là công việc mà ông Kenny Abisror, trưởng bộ phận dịch vụ tại khách sạn The Mandarin Oriental –New York-, thường xuyên phải đáp ứng, nhất là các vị khách diễn viên nổi tiếng. Có diễn viên ở dài ngày trong khách sạn đã yêu cầu bộ phận dịch vụ cung cấp một tủ treo quần áo hoàn toàn mới. Hơn nữa, để thỏa mãn yêu cầu của vị khách vốn rất kén chọn trong cách ăn mặc –vớ và quần áo lót phải là nhãn hiệu “Barney”, áo sơ-mi của “Calvin Klein”-, ông Abisror huy động mọi nhân viên nhóm dịch vụ khách sạn. Diễn viên này còn yêu cầu ông Abisror chọn cho mình một “bộ cánh” thích hợp khi đến tham dự buổi diễn hài của David Letterman, với hy vọng ông Letterman sẽ cho một lời nhận xét.

Còn một nữ ngôi sao ca nhạc khác ở khách sạn Le Saint-Sulpice, Montréal (Canada) trong thời gian tham gia đóng phim, lại muốn nhất định có sữa tươi sống mới vắt từ bò ra, để uống vào mỗi buổi sáng,  theo thực đơn ăn kiêng nghiêm ngặt của cô. Thế là nhân viên khách sạn phải đi từ nửa đêm đến một trại nuôi bò sữa cách thành phố khoảng vài tiếng đồng hồ để lấy sữa và trở về kịp giờ ăn sáng của khách. Nhân viên dịch vụ đã thỏa thuận một cuộc trao đổi với người chủ trại : sữa bò được cung cấp miễn phí, nhưng đổi lại người chủ sẽ được nghỉ một đêm tại khách sạn, tất nhiên là cũng miễn phí.

Thế nhưng lời yêu cầu khác thường mà ông Bozzolan, nhân viên dịch vụ khách sạn Le Martinez -thành phố Cannes (Pháp), nhận được không phải từ một diễn viên, nhưng từ một nữ du khách đứng tuổi người Nam Mỹ : bà muốn có hạt giống cây Caper (loại cây mọc thành bụi, hoa trắng, quả có hình dạng giống ô-liu thường được muối hoặc ngâm chua để ăn) để mang về nhà. Bozzolan bỏ công tìm kiếm trong vài ngày loại hạt giống nhập từ vùng Địa trung Hải này và sau cùng được một ít hạt nhờ Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia.

Khi Thái tử Charles (nước Anh) du lịch đến San Francisco, ông bỏ quên bộ nẹp cổ áo ở cung điện của hoàng gia. Nhân viên kỳ cựu Thomas Wolfe của bộ phận dịch vụ khách sạn The Fairmont đã đưa cho Thái tử bộ nẹp cổ bằng bạc vợ ông vừa tặng và ông không còn dịp thấy lại món quà giá trị của vợ cho mình nữa. Chính Wolfe cũng có dịp đến Tokyo (Nhật) để trao lại tận tay khách món hành lý đã thất lạc và lần khác giúp đưa một khách Thụy Sĩ đi cắt tóc và mua một chiếc Ferrari trong cùng một ngày !.

Kỳ lạ hơn, khách sạn The Ritz-Carlton tại thành phố nghỉ mát Cancun thuộc Mê-hi-cô  phải cử người về thủ đô Mexico City mua thảm về trải kín khắp bãi biển trước khách sạn, để chiều lòng một vị khách quen giàu có bỗng nhiên muốn xem phim riêng môt mình trên bãi biển trước khách sạn, nhưng lại không thích cát, nên yêu cầu bằng mọi cách phải che chắn thật kín !

Một gia đình từ Hanover (Đức) đến khách sạn Adlon Kempiniski tại Berlin (Đức) trong kỳ nghỉ hè. Khi đến nơi mới nhận ra là đã để quên con thỏ nhồi bông của cô con gái 4 tuổi ở nhà. Gia đình cô bé đã nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên dịch vụ Raffaele Sorrentino, vì nếu không có con thỏ, con gái của họ sẽ không ngủ được. Không còn cách giải quyết nào khác, Sorrentino đành bố trí cho nhân viên lái xe trong 5 tiếng đồng hồ về nhà cô bé lấy con thỏ thân yêu mang đến ! Và có lần ông Sorrentino cũng  điều nhân viên đáp máy bay đến Paris (Pháp) để mua một giỏ xách thật đặc biệt mà không thể nào có ở Đức, để làm quà sinh nhật cho vợ yêu của một vị khách.

Tuy nhiên, lắm khi có những đòi hỏi của “thượng đế” mà các nhân viên khách sạn không thể đáp ứng hoàn toàn, dù họ đã nổ lực hết mức : một người khách ở khách sạn The Sagamore Resort-Lake George, New York- yêu cầu nhân viên phải cho thợ đến phòng lắp đặt ngay một lò sưởi đốt bằng củi thay cho lò sưởi đốt bằng gas. Có vị khách lại hối thúc khách sạn cho lắp thêm một trạm phát tín hiệu vì chiếc điện thoại di động của ông ấy bắt sóng rất yếu !. Hoặc có người nài nỉ  tìm giúp một người trông nom đứa con trai 4 tuổi của họ vào ngày lễ Giáng sinh và bộ phận dịch vụ đã tìm được hai người.

Nguyễn Anh Tuấn (tổng hợp) – IRR

BÀI VIẾT LIÊN QUAN