SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA NHÀ QUẢN LÝ VÀ NHÂN VIÊN KHÁCH SẠN

MỤC LỤC

Đội ngũ nhân viên có vai trò quan trọng trong việc làm nên thành công của khách sạn. Sự tích cực hay “thiếu lửa” của nhân viên trong công việc phụ thuộc rất lớn vào cách ứng xử của nhà quản lý và những quy định của phòng nhân sự. Biết đánh giá mặt mạnh của nhân viên và khuyến khích họ phát huy mặt mạnh đó thì khách sạn được hưởng lợi, ngược lại, họ sẽ là lực cản trên đường phát triển kinh doanh.

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp khách sạn đã kết luận, danh tiếng của một khách sạn phụ thuộc rất lớn vào cách nhà quản lý đối xử với nhân viên. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, cần phải tránh những cách hành xử sau đây đối với nhân viên để tạo nền tảng kinh doanh tốt cho khách sạn.

Sự thờ ơ

Áp lực kinh doanh khiến nhiều nhà quản lý bị cuốn theo vòng xoáy công việc nên chẳng mấy khi để ý đến nhân viên của mình, nếu họ cứ đều đều làm công việc được giao. Nếu theo xu hướng này, tức chỉ để ý đến kết quả công việc mà không đánh giá đúng mức nỗ lực của nhân viên. Điều này khiến nhân viên chỉ hoàn thành  công việc để hưởng lương mà không cần nỗ lực hơn nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho khách sạn.

Thiếu công bằng

Nhiều nhà quản lý có thói quen đánh giá nhân viên ở mặt nổi trội mà không để ý đến những nhân viên bình thường. Họ quên mất rằng, mỗi nhân viên đều có những sở trường và sở đoản khác nhau. Với cái nhìn không công bằng của sếp, nhân viên bình thường chẳng mấy hứng thú để làm hết khả năng. Một nhà quản lý khôn ngoan phải biết khéo léo sử dụng những người giỏi để thúc đẩy năng suất các nhân viên khác.

Không “truyền lửa” cho nhân viên

Nhiều nhà quản lý không truyền thông rõ ràng cho nhân viên biết sự thăng tiến của họ phụ thuộc vào chính công việc họ đang làm, và mặc nhiên xem việc thuê nhân viên ở vị trí đó chỉ để hoàn tất một công việc định sẵn, rồi trả lương. Điều này đúng nhưng không thúc đẩy nhiệt huyết của nhân viên đối với công việc vì họ không nhìn thấy tương lai tốt đẹp hơn từ công việc hiện tại.

Không có chuẩn mực chung

Sự thiên vị trong kỷ luật và khen thưởng một cá nhân nhân viên nào đó sẽ tạo nên sự tàn phá môi trường làm việc nhanh nhất. Hãy sử dụng một chuẩn đo chung để làm nền tảng xem xét hiệu quả công việc sẽ khiến nhân viên cảm thấy hài lòng vì sự công bằng.

Quản lý theo kiểu cũ

Một nơi làm việc lành mạnh trong thế giới ngày nay được xây dựng trên sự kết nối mối quan hệ giữa các nhân viên với nhau. Hãy trao quyền cho nhóm làm việc để phát huy sức mạnh từng cá nhân và tăng cường sự hợp tác tập thể để giải quyết các công việc khó khăn. Nhà quản lý đi ngược lại những điều này là lạc hậu và rất dễ bị thị trường lao động đào thải.

Không giữ lời hứa

Nhân viên luôn lắng nghe và làm việc theo yêu cầu của  người lãnh đạo. Vì thế, càng quan trọng hơn khi người đứng đầu đã hứa một điều gì thì phải thực thi. Sự tôn trọng của nhân viên đối với sếp dựa trên những gì mà nhà lãnh đạo đã hứa và làm. Nếu không thực hiện đúng lời hứa thì cần minh bạch các lý do để tiếp tục giữ tinh thần làm việc hăng say của nhân viên.

Không đủ tầm

Sự nể trọng của nhân viên sẽ bắt đầu từ năng lực chuyên môn của nhà quản lý. Vượt hơn nhân viên một cái đầu sẽ dễ dàng quản lý nhân viên. Song song đó, nếu nhà quản lý không tuân thủ các nguyên tắc, như không bao giờ lắng nghe nhân viên, không nhớ những điều đã hứa, làm ngược lại các quy định, không tỏ rõ sự biết ơn với những kết quả nhân viên đạt được,… thì khó mong có môi trường làm việc năng động, khó để nhân viên trung thành với khách sạn và khách hàng sẽ được phục vụ tốt.

Thiên Thảo – IRR Group

BÀI VIẾT LIÊN QUAN